image banner
Di tích – Danh thắng

                          

 1. Di tích lịch sử cách mạng - Nhà thuốc Minh Xuân Đường (địa điểm hoạt động bí mật của Tỉnh ủy Long An từ năm 1936-1945):

      Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tân An là một trong những chiến trường ác liệt, là nơi khởi xướng cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Xuất phát từ vị trí xung yếu đó, kẻ địch luôn dồn sức mạnh nhằm khống chế bằng được địa bàn này. Về phía ta, quân dân Tân An dưới sự lãnh đạo của Đảng kiên trì bám trụ, giành giật với địch từng tấc đất quê hương. Vì nơi đây địa hình trống trải, không rừng, không núi, sông rạch chằng chịt nên vấn đề bám trụ địa bàn hoạt động là vấn đề sinh tử đối với cách mạng tỉnh nhà. Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, Tỉnh ủy Tân An - cơ quan đầu não lãnh đạo toàn diện cuộc kháng chiến của toàn tỉnh - vẫn tồn tại để hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó. Vượt lên bao khó khăn thử thách, Tỉnh ủy Tân An tồn tại chỉ đạo mọi phong trào tỉnh nhà đi đến thắng lợi chính là do Tỉnh ủy Tân An luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng bộ Tân An dựa hẳn vào dân, động viên sức mạnh to lớn, sức sáng tạo vô biên của nhân dân nhằm vào mục tiêu chiến thắng kẻ thù xâm lược. 

     Nằm trong dãy phố do thương gia Ấn kiều có tên Chà Hiêm đứng ra thầu xây dựng cất và cho thuê mướn thu hoa lợi, di tích được xây dựng khoảng từ năm 1934-1936 thời điểm nhà lồng chợ Tân An đã làm xong. Năm 1936, Lương y Lê Minh Xuân - lúc ấy là chủ tiệm thuốc bắc Nam Cường (ở Mỹ Tho) và Nam Phương (ở Phú Mỹ), về đây thuê mở phòng mạch và buôn bán hàng xén, đặt tên gọi " Nhà thuốc Minh Xuân Đường". Hiện nay, di tích tọa lạc số 17, Nguyễn Duy, Phường 1, thành phố Tân An.

      Từ cuối năm 1930 đến giữa năm 1931, ở thành phố Tân An đã có những cơ sở bí mật của Đảng hoạt động. Kể từ khi Lương y Lê Minh Xuân lập tiệm thuốc bắc Minh Xuân Đường thì địa điểm này trở thành cơ sở mật của Thành phố. Cuối 1938, đồng chí Trần Trung Tam được xứ ủy điều động từ Quận ủy Đức Hòa về Tân An trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, xây dựng lực lượng bí mật của Đảng, nhà thuốc Minh Xuân Đường trở thành điểm liên lạc của Đảng giữa miền Đông và miền Tây và là nơi dừng chân hoạt động của đồng chí Trần Trung Tam dưới vỏ bọc hợp pháp là thầy lang trực tiếp kê toa bốc thuốc.

      Vào cuối 1939, nhân kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Pháp 14/7 - các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Tân An là Trần Trung Tam, Nguyễn Văn Ban, Phẩm Văn Giáo, Võ Thị Chính đã phát động quần chúng nhân dân tổ chức một cuộc biểu tình, kết thúc - Tỉnh ủy đã họp chỉ đạo rút kinh nghiệm tại nhà thuốc Minh Xuân Đường. Cũng từ địa điểm này, đồng chí Trần Trung Tam đã chỉ đạo công tác chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ trong phạm vi tỉnh Tân An từ cuối tháng 9/1940.

       Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng trên địa bàn thành phố Tân An bị tổn thất nặng nề, gần như tan vỡ. Cuối năm 1942 đầu năm 1943, một số đảng viên ở thành phố Tân An mới dần dần được tập hợp trở lại. Tháng 10/1943, đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Hoằng và Lê Minh Xuân bàn bạc đi đến quyết định khôi phục chi bộ thành phố Tân An. Cuộc họp thành lập chi bộ diễn ra tại nhà thuốc Minh Xuân Đường, đồng chí Nguyễn Văn Trọng được cử làm Bí thư. Cũng trong tháng 10/1943, Xứ ủy lâm thời được thành lập tại Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho, đồng chí Nguyễn Văn Hoằng được bầu làm Xứ ủy viên. Sau hội nghị của Xứ ủy, Chi bộ Tỉnh lỵ Tân An được phát triển thành Tỉnh ủy lâm thời tại hội nghị thành lập Tỉnh ủy vào tháng 3/1944, đồng chí Nguyễn Văn Trọng được bầu làm Bí thư. Nhà thuốc Minh Xuân Đường lại trở thành trụ sở bí mật, địa điểm liên lạc, hội họp của Tỉnh ủy Tân An.

      Cuối tháng 6/1945, nhận thấy thời cơ khởi nghĩa đang đến gần, Tỉnh ủy lâm thời Tân An tiến hành hội nghị mở rộng đầu tiên tại nhà thuốc Minh Xuân Đường với 16 đồng chí đại biểu về dự. Hội nghị đã triển khai nội dung quan trọng và vạch kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa ở tỉnh lỵ và phân công lãnh đạo giành chính quyền ở các quận A, B, C, D. Sau hội nghị trên, Tỉnh ủy đã bí mật cho điều lực lượng vũ trang từ quận A, B, C, D đưa vào ém trong Thành phố. Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng chi bộ nội tuyến và mượn súng trong binh lính địch để trang bị cho Thanh niên Tiền Phong; móc nối với một số cơ sở Bình Xuyên giúp đỡ tài chính để có tiền nuôi lực lượng đang được ém bí mật trong Thành phố và để mua vải may cờ, vẽ khẩu hiệu; chỉ đạo việc may cờ, biểu ngữ, chuyển máy in (xin của Xứ ủy) từ Chợ Lớn về Hướng Thọ Phú. Trong những ngày tháng khẩn trương ấy, Minh Xuân Đường đã trở thành một địa điểm tập trung để đảng viên các nơi tụ về kẻ truyền đơn chuẩn bị khẩu hiệu, dập phù hiệu đảng viên… sửa soạn khởi nghĩa.

       Sau khi được tin Nhật đầu hàng đồng minh, đêm 16 - rạng 17/8/1945, Xứ ủy triệu tập hội nghị toàn thể ở Chợ Đệm để quyết định phát động khởi nghĩa và chỉ định Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ. Tỉnh Tân An cử đồng chí Nguyễn Văn Trọng và Lê Minh Xuân lên dự họp. Từ hội nghị Chợ Đệm trở về, 2 đồng chí Trọng, Xuân liền triệu tập gấp cuộc họp tại Minh Xuân Đường vào đêm 17/8/1945, chính thức công bố thành lập Ủy ban khởi nghĩa, bầu bổ sung và phân công nhiệm vụ trong Tỉnh ủy; dự kiến bộ máy chính quyền tỉnh, quận sẽ ra mắt công khai sau ngày khởi nghĩa thành công. Cuộc họp nhất trí chuẩn bị sẵn sàng một Nghị quyết hành động gọi là "Nghị quyết đỏ", dự kiến ngày khởi nghĩa chậm nhất ở Tỉnh chỉ trong một tuần (nghĩa là chậm nhất vào ngày 25/8) trong tinh thần chờ đợi cùng Xứ ủy. Khi cuộc họp kết thúc, đồng chí Nguyễn Văn Hoằng được phân công lên Chợ Đệm gấp để báo cáo tình hình chuẩn bị khởi nghĩa ở Tân An với Xứ ủy.

      Ngày 21/8/1945, một sự trùng hợp lịch sử đã xảy ra trong cùng lúc Xứ ủy họp tại Chợ Đệm và giao cho Tân An khởi nghĩa thí điểm nhằm thăm dò thái độ quân Nhật thì cũng chính là lúc tại Tỉnh lỵ Tân An có tin "Đàng thổ dậy". Nắm sự cố này là do phái Cao đài phản động tung tin với ý đồ phổng tay trên Việt Minh để cướp chính quyền, các đồng chí Trọng, Xuân hội ý chớp nhoáng tại nhà thuốc Minh Xuân Đường, quyết định phát động và khởi nghĩa giành chính quyền bằng lực lượng có sẵn. Cuộc khởi nghĩa ngoạn mục dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Tân An đã nhanh chóng huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân, bắt toàn bộ ác ôn, công chức đầu sỏ, chiếm kho súng, kho bạc, làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ, khi đồng chí Nguyễn Văn Hoằng mang lệnh khởi nghĩa thí điểm của Xứ ủy về đến nơi thì khởi nghĩa ở Tỉnh lỵ Tân An đã thắng lợi hoàn toàn. Tối 22/8/1945, Tỉnh ủy Tân An đã quyết định rời trụ sở của nhà thuốc Minh Xuân Đường về khu lầu nhà Tổng Thận. Từ đó Minh Xuân Đường đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, chấm dứt vai trò là trụ sở hoạt động bí mật của Tỉnh ủy Tân An thời kỳ 1936-1945.

       Trong số những di tích lịch sử cách mạng ở tỉnh Long An còn lưu giữ đến ngày nay, nhà thuốc Minh xuân Đường là nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng trong quá trình hoạt động của Tỉnh ủy Tân An khoảng 10 năm (1936-1945). Hơn thế nữa ngôi nhà này là nơi Tỉnh ủy Tân An mở hội nghị quan trọng, ra quyết định cho cuộc giành chính quyền tại tỉnh lỵ vào tháng 8/1945 thành công, ghi dấu vết son riêng rất độc đáo. Tân An vinh dự là Tỉnh đi đầu trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 ở Nam bộ. Với những giá trị to lớn trên, ngày 22/10/1999, UBND tỉnh Long An đã ra quyết định đăng ký di tích lịch sử:  "Nhà thuốc Minh Xuân Đường".


      2. Nhà Tổng Thận - Trụ sở Công khai đầu tiên của Tỉnh ủy Tân An sau Cách mạng tháng Tám:

      Nằm dọc bên bờ vàm Rạch Bảo Định hay còn gọi là rạch Vũng Gù, hiện nay vẫn còn một "địa chỉ đỏ" trong lòng thành phố Tân An. Đó chính là nới đã khắc ghi bao dấu ấn một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc. Nơi ấy chính là Khu di tích lịch sử Nhà Tổng Thận, tọa lạc tại đường Ngô Quyền, phường 1, thành phố Tân An, tỉnh Long An.

 NTT.jpg

      Trong khí thế nổi dậy của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên cả nước, Tân An vinh dự là địa phương được Xứ ủy Nam bộ chọn thí điểm khởi nghĩa đầu tiên và đã thành công ngày 21/8/1945, trở thành phát pháo lệnh cho cả Nam Bộ bước vào cuộc tổng khởi nghĩa của cả nước. Sau khi giành được chính quyền vào tay nhân dân, Tỉnh ủy Tân An đã quyết định trưng dụng Nhà Tổng Thận làm trụ sở hoạt động công khai của Tỉnh ủy. Nhà Tổng Thận hiện tọa lạc tại số 4, Ngô Quyền , Phường 1, Thành phố Tân An. Ngôi nhà này do Cai Tổng Thạnh Hội Thượng, quận Châu Thành Trần Khắc Thận xây cất khoảng năm 1892-1893.

      Ngôi nhà có diện tích xây dựng 138,24 m², theo lối kiến trúc Pháp khá kiên cố với kết cấu 1 trệt, 1 lầu nên rất thoáng mát. Địa điểm này phù hợp làm trụ sở của Đảng, tiện cho việc hoạt động và tiếp đón đại biểu các nơi đến quan hệ. Nơi đây có nhiều ưu thế hơn so với trụ sở mật ở Minh Xuân Đường vì gần với trụ sở của chính quyền cách mạng, tiện cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, ít ồn ào náo nhiệt, thuận lợi cho việc xây dựng nề nếp hoạt động, đáp ứng nhu cầu làm việc của Tỉnh ủy Tân An lúc bấy giờ. Việc chọn nhà Tổng Thận làm trụ sở cho thấy Đảng quyết định ra hoạt động công khai sau ngày Tân An khởi nghĩa thành công.

      Ngay sau khi tiếp nhận trụ sở công khai, Tỉnh ủy Tân An đã họp phiên mở rộng đầu tiên vào chiều tối ngày 22/8/1945 do đồng chí Nguyễn Văn Trọng chủ trì. Hội nghị đã quyết định một số chủ trương công tác cấp bách: củng cố chính quyền, xây dựng các lực lượng cách mạng tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng; bàn việc mở ngay một lớp tập huấn du kích và giải quyết vấn đề vũ trang cho các lực lượng du kích. Đặc biệt tại hội nghị này, Tỉnh ủy lâm thời đã biểu quyết bổ sung, phân công trách nhiệm về nhân sự Đảng và chính quyền, trong đó có việc bầu đồng chí Nguyễn Văn Hoằng làm Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Tân An.

      Khoảng nửa đầu tháng 9/1945, tại nhà Tổng Thận, Tỉnh ủy Tân An triệu tập hội nghị lần thứ 2 do đồng chí Nguyễn Văn Hoằng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Hội nghị đã bàn những vấn đề như: tiến hành hợp nhất các quận ủy; bàn biện pháp củng cố, xây dựng chính quyền, xây dựng các đoàn thể bằng việc tổ chức ngay hệ thống chính quyền từ quận đến xã; thành lập ủy ban cố vấn với thành phần rộng rãi ở chính quyền các cấp; cho đặt những "Thùng thư dân nguyện" ở khắp nơi để nắm được ý dân; bàn việc đón rước các đồng chí ta từ các trại giam ở Côn Đảo về đất liền.

      Sau những ngày đầu cách mạng sôi nổi hào hùng, tình hình ngày càng căng thẳng. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp bóng quân đội Anh (với danh nghĩa tước khí giới Nhật) đã trở lại xâm lược Việt Nam. Ở Tân An khoảng cuối tháng 9/1945, tại nhà Tổng Thận, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị lần thứ 3 do đồng chí Nguyễn Văn Hoằng chủ trì. Đây là hội nghị quan trọng của Tỉnh ủy Tân An, nhận định tình hình thực dân Pháp sẽ quay trở lại và đề ra những nhiệm vụ cấp bách có tính chất chuyển hướng về nhiệm vụ chiến lược: từ xây dựng chính quyền sang tích cực củng cố, bảo vệ chính quyền và chuẩn bị kháng chiến. Trong thời điểm khẩn trương vào nửa đầu tháng 10/1945, tại nhà Tổng Thận, Tỉnh ủy Tân An họp hội nghị bất thường để củng cố nội bộ trước khi rút ra khỏi tỉnh lỵ. Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Minh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy .

      Cuối tháng 10/1945, Liên quân Anh - Pháp phá vỡ vành đai Sài Gòn - Chợ Lớn. Đêm 23 rạng 24/10/1945, địch theo hướng đường sông Tiền tiến chiếm Mỹ Tho. Đồng thời theo lộ Đông Dương (nay Quốc lộ 1A) vượt cầu Bình Điền, chọc thủng phòng tuyến của quân dân ta ở mặt trận Chợ Đệm - Gò Đen, tiến xuống Tỉnh lỵ Tân An. Để bảo toàn lực lực lượng, Tỉnh ủy Tân An chỉ đạo lực lượng rút ra căn cứ kháng chiến. Cơ quan Tỉnh ủy chính thức rời khỏi khu nhà Tổng Thận cùng số lớn cơ quan rút về Mộc Hóa (Đồng Tháp Mười), đóng rãi rác từ Bắc Đông ngược lên các vùng ven sông Vàm Cỏ Tây để kháng chiến chống Pháp.

      Nhà Tổng Thận là địa điểm lưu niệm nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh Tân An, trong thời gian được Tỉnh ủy chọn làm trụ sở hoạt động sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nơi đây đã chứng kiến nhiều cuộc hội nghị của Tỉnh ủy, để kịp thời ra những chủ trương chỉ đạo nhằm củng cố và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân còn non trẻ. Với những giá trị lịch sử trên, vào năm 1998, UBND tỉnh Long An đã ra quyết định đăng ký Di tích lịch sử "Nhà Tổng Thận" để có cơ sở trùng tu, tôn tạo, giới thiệu khách tham quan một trong những địa điểm hiếm hoi gắn với lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945 của Tỉnh nhà.

 

   

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh