Trạm Y tế Phường 1 tổ chức nói chuyện chuyên đề cho các nhóm nguy cơ cao hiểu về HIV và vận động tuân thủ điều trị dự phòng
Thực hiện Kế hoạch số 745/KH-BCĐ ngày 21/3/2025 của Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS Phường 1 về việc tổ chức nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS cho đối tượng nguy cơ cao năm 2025.
Đồng thời, nhằm nâng cao nhận thức cho các nhóm nguy cơ cao hiểu về HIV cũng như cách tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Vào lúc 13 giờ 30 phút, ngày 26/3/2025, tại Trạm Y tế Phường 1 tổ chức nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS cho đối tượng nguy cơ cao năm 2025.
Trong buổi nói chuyện, Bác sĩ Trần Thuỳ Dương trình bày những kiến thức cơ bản về HIV, giới thiệu các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt là xét nghiệm HIV, điều trị HIV/AIDS và điều trị PrEP, ý nghĩa K=K và lợi ích của xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS sớm.
Trước tiên, chúng ta nên hiểu HIV là căn bệnh do nhiễm virus làm suy giảm hệ thống miễn dịch ở người. Bệnh HIV diễn biến qua nhiều giai đoạn, ở giai đoạn đầu chưa xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, đến khi xuất hiện bất thường như: Gầy sút, sốt, ho kéo dài, viêm phổi, da…thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Ở giai đoạn này việc điều trị bằng thuốc gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, nhóm quan hệ tình dục đồng giới là những người có nguy cơ cao bị nhiễm HIV. Vậy nên, công tác truyền thông, trang bị kiến thức phòng bệnh HIV cho nhóm này rất được chú trọng.
Theo ghi nhận thực tế, nhiều người quan hệ đồng giới đã hiểu PrEP là thuốc kháng HIV cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự xâm nhập và nhân lên của vi rút HIV. PrEP hiện nay được chứng minh rất hiệu quả với các nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), phụ nữ bán dâm…PrEP nếu uống hàng ngày giúp trên 90% người có quan hệ đồng giới chưa nhiễm HIV có thể đề phòng được căn bệnh này. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng PrEP hàng ngày như một chương trình dự phòng tổng hợp cho những nhóm nguy cơ cao.
Tại buổi truyền thông, Bác sĩ Trần Thuỳ Dương còn phân tích kỹ một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc điều trị dự phòng và những việc cần tuân thủ tốt để đảm bảo hiệu quả cao trong quá trình dùng thuốc. Tất cả thắc mắc về căn bệnh HIV, cách dùng thuốc…cũng sẽ được giải đáp cặn kẽ, dễ hiểu trong các buổi truyền thông.
Việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho những người có nguy cơ cao với căn bệnh này là hết sức cần thiết. Đặc biệt, khi hiểu về HIV, việc tuân thủ điều trị sẽ được thực hiện tốt.
Thuốc hiện nay được cung cấp đầy đủ theo nhu cầu. Bác sĩ và nhân viên y tế hướng dẫn tận tình nên an tâm. Đồng thời nắm bắt đầy đủ các kiến thức về phòng, chống để tuyên truyền thêm cho những đối tượng nguy cơ khác kịp thời tránh hoặc đi xét nghiệm sớm để được điều trị hiệu quả.
Cùng với việc phát thuốc điều trị dự phòng, những người có nguy cơ cao hãy sử dụng bao cao su. Đến nay, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục vẫn là biện pháp hiệu quả. Biện pháp này không chỉ dự phòng lây truyền HIV mà còn phòng được các bệnh lây qua đường tình dục khác, bảo vệ an toàn cho người quan hệ.
Không chỉ truyền thông mạnh về hiệu quả công tác điều trị dự phòng, vấn đề xét nghiệm cho người có nguy cơ cao cũng được triển khai mạnh mẽ.
Các đối tượng có nguy cơ cao với HIV như: Quan hệ tình dục với người đã nhiễm HIV; nhiều bạn tình; quan hệ tình dục bừa bãi không có biện pháp bảo vệ an toàn; mại dâm, quan hệ đồng giới…thì nên đi xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Xét nghiệm kịp thời phát hiện xem mình có bị nhiễm hay không để có biện pháp tránh lây lan cho người khác đồng thời được tư vấn, điều trị cho chính bản thân mình./.